Dù là game thủ kì cựu hay “ma mới” của thế giới game, bạn chắc hẳn cũng từng nghe qua từ “cheat”. Đó là hành động gian lận trong một trò chơi nhằm mục đích tăng thành tích, làm tựa game trở nên dễ dàng hơn (hoặc khó đi nếu bạn cảm thấy cuộc sống quá nhạt nhẽo). Đối đầu với hiện tượng gian lận trong game chơi mạng luôn là vấn đề quan trọng mà những nhà phát triển phải giải quyết, và hành vi sử dụng “cheat” chắc chắn sẽ khiến bạn bị cộng đồng game “ném gạch”. Thế nhưng, tuy cheat được coi như một tệ nạn của làng game… bản chất của nó có thực sự xấu?
Bạn đã bao giờ tự hỏi về lịch sử của cheat trong video game? Chúng xuất phát từ đâu? Chúng phát triển như thế nào? Tưởng chừng là một vấn đề quen thuộc nhưng cheat có cả một quá trình phát triển thăng trầm riêng đó. Và hãy để bài viết sau của tengamehay.net ngược dòng lịch sử, dẫn bạn về quá khứ của những đoạn mã ăn gian “thần thánh” trong game nhé![timeline post=”152748, 152097″]Cheat thực ra gắn liền với chiều dài phát triển của video game tự rất lâu rồi, và chúng đầu tiên được bỏ vào trò chơi bởi chính… bản thân nhà sản xuất !?!?
Bạn biết đó, để hoàn thiện một tựa game không phải là đơn giản. Vào những năm 80 của thế kỉ trước, cái thời nhà sản xuất thiếu thốn những công cụ làm game mạnh mẽ, lại không có internet phổ biến để nay cập nhật, mai vá lỗi, thì khi một tựa game được hoàn thiện, nó phải… thực sự hoàn thiện. Không lỗi. Không hỏng. Không giật. Do vậy, mọi khâu kiểm tra, trau chuốt và tinh chỉnh đều phải làm hoàn hảo trong quá trình phát triển.
Cơ mà một tựa game đâu phải “hô biến” là xuất hiện. Nhà sản xuất phải tạo nên từng phần, kiểm tra kĩ chúng rồi ráp lại, và kiểm tra kĩ nhiều lần nữa. Đương nhiên việc này rất tốn thời gian. Một tựa game có tám màn chơi chẳng hạn, và nhà sản xuất muốn thử màn cuối, chả nhẽ họ phải chơi từ đầu tới màn đó chỉ để kiểm tra? Hay một vật phẩm có tỉ lệ rớt 23% khi đánh trùm “khủng” và nhà sản xuất muốn kiểm tra lại, chẳng nhẽ họ phải cố đánh con trùm 100 lần để đo đạc? Những công việc đó thật tốn thời gian, do vậy, các nhà sản xuất cần một thứ gì đó giúp họ chơi qua các màn, giúp nhân vật mạnh mẽ không tưởng để nhanh chóng xem xét mọi vấn đề “chân tơ kẽ tóc” của game. Từ đó mã ăn gian (Cheat code) ra đời, được nhà sản xuất “cấy” vào game như một tính năng ẩn, giúp họ “gian lận” thành tích hay khả năng của nhân vật để kiểm tra chóng vánh sản phẩm của mình.Nhưng tại sao khi sản phẩm đó ra lò, mã ăn gian vẫn còn ở đó? Thứ nhất, nếu có vấn đề gì đó phát sinh sau này và nhà sản xuất cần kiểm tra lại, họ vẫn cần một công cụ nào đó hỗ trợ. Thứ hai, khi một tựa game hoàn hảo, sạch lỗi đã được làm nên, chẳng ai muốn lật lại mã nguồn để sửa cả, vì nhỡ đâu lại tạo ra lỗi mới thì sao? Thế nên cái gì đang ở đó thì tốt nhất cứ nên ở đó, và game kèm mã ăn gian ẩn cứ thể ra đời.
Với kinh nghiệm tiến hóa hàng triệu năm, con người khá… thông minh, ít ra là đủ thông minh để tìm ra những bí mật bị giấu kín. Các mã ăn gian có thể bị phát thiện, chỉ nhờ sự tình cờ hay nhờ có ai đó mọc vạch mã nguồn game. Ví dụ một số mã ăn gian “nguyên thủy” gồn có dãy số 6031769 trong game Manic Miner bắt nguồn từ biển số xe của nhà sản xuất game Matthew Smith; hay đoạn mã Konami huyền thoại: ↑↑↓↓←→←→BA.
Ngoài ra, một số chương trình “trainer” để thay đổi, chỉnh sửa một số game nào đó cũng ra đời. Ví dụ The Great Escape Utility là công cụ để giúp tăng tốc khởi động, loại bỏ lỗi vặt cho game Castle Wolfenstein, nhưng kèm theo đó, nó cho người chơi lấy mọi món đồ, lên mọi cấp, xuất hiện ở bất kỳ nơi nào mình thích.Với sự xuất hiện của mã ăn gian, nhà sản xuất dần nhận ra “gian lận” trong game thực sự giúp họ bán nhiều hàng hơn, và họ dần bỏ nhiều “bí mật” vào game hơn.
Có cheat, người chơi sẽ ghi được những số điểm cao ngất ngưởng, tự hào khoe mẽ với bạn bè và cảm thấy thỏa mãn, nhưng trên tất cả, cheat mang tới một cảm giác khác biệt cho người chơi. Bạn thử tưởng tượng cảnh sở hữu một nhân vật “mình đồng da sắt”, toàn thân bất bại lao vào lăn xả đã tay với hàng trăm kẻ địch mà không mất một giọt máu… cheat đưa người chơi tới một trải nghiệm mới mà nhà sản xuất vốn không định sẵn, khiến họ cảm thấy vô cùng đặc biệt.Do vậy, trong những năm 90, mã ăn gian trở nên cực kì thịnh hành, tới mức game thủ sẵn sàng bỏ tiền cho những sản phẩm phần cứng được bán ra chỉ với mục đích gian lận game. Những thiết bị cheat như Game Shark, Game Gene hay Action Replay được mua rộng rãi, cho phép người dùng tự “thao túng” mã lệnh của game, tìm ra cách cheat mới mà game không có, rồi chia sẻ với bạn bè. Đồng thời, các tạp chí game thời đó cũng rất thịnh hành và đăng tải đầy những bảng tập hợp cheat, hướng dẫn chơi, thậm chí cả đĩa CD chứa tập tin lưu thành tích cho game.
Cũng có một số nhà sản xuất không lấy làm thích thú lắm với việc mã nguồn game thuộc sở hữu trí tuệ của mình bị “sờ mó”. Cụ thể vào năm 1990, Lewis Galoob Toys, Inc. gửi đơn khiếu nại cho Tòa Án Liên Bang Khu của Mỹ, đòi chứng mình rằng sản phẩm Game Gene của công ty không hề vi phạm bản quyền của Nintendo. Sau một thời gian dài tranh cãi pháp lý, tòa án đã nghiêng về phía Lewis Galoob Toys, Inc. và Nintendo phải bồi thường 15 triệu USD. Thậm chí, Nintendo cũng đã cố gắng kháng cáo nhưng vẫn thất bại.Quá trình sụp đổ của một thứ gì đó luôn có thể bắt đầu từ nhiều yếu tố, tùy theo cách mọi người nhìn nhận, nhưng nhát dao “chí mạng” tiêu diệt thời kì hưng thịnh của mã ăn gian thì chỉ có một thôi: Internet.
Sự bùng nổ của Internet trong thiên niên kỉ mới đã mang tới những tựa game chơi mạng và hệ thống thành tích chung. Game chơi mạng ra mắt trên PC rồi tới console, và kế đó là những hệ thống thành tích trực tuyến để cổ vũ người chơi ra đời. Năm 2005, Xbox 360 cho ra đời hệ thống Gamerscore mang tới loạt thành tích cho nhiều tựa game chạy trên hệ console này. Năm 2007, Valve nối gót với hệ thống Achievement, và Sony cũng không chịu kém cạnh bằng cách ra mắt các Trophy vào năm 2008.
Hãy tưởng tượng cảm giác chơi “hộc máu” một game nào đó để được một thành tích gì đó cực hiếm, trong khi đứa bạn đạt được nó chỉ sau khi chơi được 5 phút, liệu bạn có thấy tức “hộc máu” lần hai không? Chưa kể hệ thống thành tích này được kết nối và chia sẻ với nhau, nên ai cũng có thể thấy được người khác đã đạt được những gì, dẫn tới các kẻ gian lận sẽ bị bại lộ rất nhanh, phải chịu cái mác “Cheater”, kèm theo sự khinh thường của những người cùng chơi.Trước kia, khi ai đó tìm ra cách cheat trong game nào đó rồi khoe với bạn bè, họ sẽ nhận được vô vàn lời trầm trồ thán phục, cũng như cảm thấy chút tự hào vui sướng. Nhưng khi các công cụ tìm kiếm ra đời cho phép triệu triệu người chia sẻ kinh nghiệm chơi game, thì các cách gian lận được phổ cập với tốc độ chóng mặt, nên cảm giác phát hiện ra điều gì đó đặc biệt… chẳng còn gì là đặc biệt nữa.
Đồng thời, các công cụ làm game cũng trở nên tân tiến, cho phép nhà sản xuất trực tiếp thao tác được những gì mình muốn thử nghiệm trong game mà không cần có cửa sau, nên việc sử dụng những đoạn mã đặc biệt để kiểm tra lỗi trong game lại trở nên thừa thãi.
Dần vô tác dụng, chẳng mang lại được sự sung sướng mà còn lấy đi lòng tự trọng của mỗi người, cheat càng ngày càng bị bài trừ bởi chính những người sử dụng nó. Gameshark và Game Gene không có mặt trên hệ console thứ bảy, còn đời Action Replay cuối chỉ có mặt trên Wii, hệ console không hỗ trợ thành tích thời đó. Và thế là cheat trở dần mai một. Điều khiến không chỉ người chơi từ bỏ mà nhà sản xuất quyết tâm diệt trừ cheat chính là sự phát triển của game chơi mạng.Từ chỗ được tòa án bảo hộ cho tới bị tẩy chay hàng loạt, cheat đúng thật đã rơi xuống vực thẳm. Dần dần, không chỉ có game thủ “cạch mặt” cheat, mà các nhà sản xuất cũng thẳng tay “xử trảm” những kẻ gian lận.
Internet ra đời cho phép các trò chơi có thể được cập nhật nội dung liên tục. Do vậy nhà sản xuất có thể đưa ra những gói nội dung để tăng lợi nhuận. Đương nhiên với một tựa game chơi đơn thì bạn có thể sử dụng những công cụ đơn giản như Cheat Engine để tăng tiền tệ, chỉ số lên vô hạn mà không phải chịu hậu quả gì. Tuy nhiên, với những tựa game chơi mạng, các sản phẩm mà nhà sản xuất thu lợi trực tiếp từ khả năng và thành tích của người chơi, thì họ sẽ không vui vẻ gì khi nhìn những lá tiền của mình “vút bay” bởi những công cụ miễn phí. Hơn thế nữa, gian lận khi chơi mạng sẽ ảnh hưởng tới trải nghiệm của những người khác, nên nhà sản xuất buộc phải vào cuộc.
Cuối cùng, từ chỗ là hình thức giải trí, video game dần phát triển thành thể thao, và trong lịch sử loài người, gian lận trong thể thao mà lại được “nhắm mắt làm ngơ” là điều không tưởng. Sự ra đời của các hệ thống tìm và trừng phạt những người chơi bẩn như Valve Anti-Cheat System (VAC) đã cho thấy tầm quan trọng của sự trong sạch khi chơi game, ít ra là khi bạn thi đấu với người khác. Và tới tận giờ phút này, VAC cùng rất nhiều hệ thống chống gian lận khác vẫn được cập nhật liên tục, đảm bảo sự công bằng cho tất cả những người tham gia trải nghiệm game trực tuyến.
Tóm lại, cheat trong game chỉ hưng thịnh khi mà mỗi con người tự chơi game của riêng mình, theo cách mình muốn. Nhưng cái thời đó đã qua, Internet đã kết nối mọi người, và trong tổng thể xã hội, gian lận để có những lợi thế không công bằng và chịu sự loại bỏ là chuyện đương nhiên. Và đó cũng là cái kết hành trình “lên voi xuống chó” của cheat, hay ít ra tại thời điểm hiện tại là vậy.