Bên cạnh “good boy/girl” (trai/gái tốt) hay “bad boy/girl” (trai/gái hư), giới trẻ nay có thêm cụm từ “food boy”, “food girl”.
Từ này lần đầu xuất hiện vào ngày 15/12/2020 qua dòng chia sẻ trên mạng của một cô gái về bạn trai mình: “Good boy cũng tốt đấy, nhưng mình thích food boy hơn” (Trai ngoan cũng tốt đấy, nhưng mình thích bạn nam nào mê đồ ăn hơn).
“Food boy/girl” được dùng để chỉ các chàng trai, cô gái yêu thích ẩm thực, có xu hướng thể hiện tình cảm với người mình thích bằng những món ăn ngon.
Nói cách khác, đồ ăn chính là ngôn ngữ tình yêu của những bạn trẻ này. Thậm chí, mọi hờn dỗi, cãi vã trong cuộc tình đều có thể hàn gắn bằng đồ ăn.
Thay vì đi xem phim, dạo phố, một cuộc hẹn lý tưởng đối với các chàng trai, cô gái thuộc “hệ đồ ăn” thường diễn ra tại quán ăn, nhà hàng.
“Người ta hẹn hò thì đi dạo, cà phê, hai đứa tôi hẹn nhau ăn hết chợ Hồ Thị Kỷ”, “Hồi anh mới tán tỉnh, mình 42 kg, yêu một năm, mình 50 kg”, “Hẹn hò vài năm, cả 2 đứa phải đưa nhau đi giảm cân gấp”, “Hồi mới yêu, anh hàng ngày mua hoa. Giờ đây, anh hàng ngày mua bánh tráng, trà sữa, mì trộn” là những chia sẻ của dân mạng.
Bên cạnh đó, nhiều người gật gù đồng ý rằng cuộc tình với các “food boy/girl” sẽ lành mạnh về mặt tinh thần vì nơi hẹn hò của cả hai chủ yếu là hàng ăn, và chủ đề chính khi trò chuyện là món ngon.
Tuy nhiên, một số khác than thở về cân nặng của mình sau khi trót phải lòng một “food boy” hay “food girl”. Sau một thời gian yêu đương, họ không khỏi bàng hoàng khi đứng lên bàn cân và nhận ra bản thân đã dung nạp quá nhiều “tình yêu” của đối phương.