Phân tích game design là gì

Tìm hiểu game design là gì là ý tưởng trong bài viết hôm nay của Tengamehay.net

“Game Design là gì?”

Mình khá tin rằng đây là một trong những câu hỏi bạn cần đặt ra đầu tiên cho bản thân mình trên chặng đường trở thành một Game Designer chuyên nghiệp.

Game Design là một trong những ngành nghề “khá hot” trong những năm gần đây tại Việt Nam.

Nó hot bởi vì nhiều lí do. Hot do cơn khát nguồn nhân lực chất lượng cao chưa bao giờ được giải tỏa một cách trọn vẹn. Hot do nguồn thu nhập và ngành nghề đáng mơ ước đối với các bạn trẻ.

Nhưng!

Nó hot cũng do một số những sự “hiểu lầm cơ bản” về nghề này. Và nó khiến những người đang chưa hiểu về nó cho rằng: “Đây là một công việc nhàn hạ” hoặc “Việc nhẹ lương cao”.

Với tư cách của một người đã làm việc lâu năm trong nghề. Mình cảm thấy việc cung cấp cho các bạn một cái nhìn chính xác hơn là điều thật sự cần thiết. Cũng là để các bạn đang có mong muốn chọn Game Design là con đường sự nghiệp của mình.

Đó là lí do bài viết này ra đời!

1. GAME DESIGN LÀ GÌ?

Game Design là gì?

Game Design (Thiết kế game) là nghệ thuật áp dụng thiết kế và thẩm mỹ để tạo ra một trò chơi (Game). Mục đích có thể dùng để giải trí, mô phỏng hoặc để tiến hành một thử nghiệm nào đó phi trò chơi (non-game).

“Nghệ thuật” trong Game Design sẽ cần dung hòa 3 yếu tố chủ đạo:

  • Mục tiêu (Goal): Là sự tương tác của người chơi với hệ thống trong game để thỏa mãn những mục tiêu tâm lý nhất định.
  • Luật chơi (Rule): Các quy tắc và đối tượng trong game (Game Mechanic, Game Element,…) và cách chúng hoạt động với nhau.
  • Thử thách (Challenge): Mang đến trải nghiệm cho người chơi và kiểm soát cảm nhận của họ khi chơi game.

Trong thời gian gần đây, các yếu tố và nguyên lý của Game Design cũng đã được áp dụng vào các ngành nghề khác. Và nó đã mở ra một xu hướng để biến “mọi thứ đều có thể trở thành game”. Đó là xu hướng Game hóa Gamification.

[Tìm hiểu thêm]. Gamification & Con đường sự nghiệp của các Game Designer trong tương lai

2. SỰ HIỂU LẦM CHO VỊ TRÍ GAME DESIGNER

Game Designer

Hằng ngày, khi lướt qua các bản tin tuyển dụng trong ngành Game. Mình dễ dàng nhận thấy vị trí Game Designer được tuyển dụng khá thường xuyên. Nhưng khá nhiều ứng viên và thậm chí là các nhà tuyển dụng “không thực sự hiểu” công việc của một người làm Game Design là gì.

Sự hiểu lầm này thông thường sẽ rơi vào một trong hai trường hợp sau:

Trường hợp 1: Hiểu lầm với các vị trí làm đồ họa.

Chính từ “designer” đã làm nên hiểu lầm này. Lâu nay, người ta vẫn thường thấy các cụm từ như Graphic Designer, Web Designer,… . Thế nên khi gặp cụm từ Game Designer, khá nhiều người “liên tưởng” đến một công việc nào đó có liên quan mật thiết đến chuyện vẽ vời & làm đồ họa.

Mình thường xuyên nhận được những bản hồ sơ tìm việc , CV có profile các ứng viên với bộ kỹ năng toàn liệt kê đến khả năng làm đồ họa như một Game Artist. Ngay cả một số bạn làm công tác tuyển dụng khi hợp tác trên chức năng ĐĂNG TUYỂN & TÌM VIỆC của Thiết kế Game cũng hay nhầm lẫn về chuyện này.

Mình không phủ nhận khả năng về đồ họa sẽ mang lại cho Game Designer một lợi thế cực lớn khi làm việc. Nhưng nếu hỏi đây có phải là công việc chính của họ không thì câu trả lời chắc chắn là Không.

Trường hợp 2: Game Designer chỉ cần có ý tưởng.

Trường hợp này khá hơn trường hợp 1. Nhưng lại mắc phải một suy nghĩ “hơi chủ quan” . Các bạn cho rằng Game Designer chỉ là người đưa ra ý tưởng.

Ideation chỉ là một bước trong quy trình làm việc của Game Designer. Và ý tưởng thì ai cũng có thể có, nhưng đa số là vô giá trị. Ít nhất là trước khi bạn có thể đính kèm với nó một bản thiết kế hoàn chỉnh.

Vậy chính xác làm Game Design là gì?

3. GAME DESIGNER LÀ GÌ?

Game Designer là gì?

Game Designer là người thiết kế ra các khái niệm, quy tắc và cơ chế của một game. Game Designer sẽ tập trung vào các mục tiêu cơ bản sau trong từng giai đoạn của quy trình sản xuất và vận hành game

  • Thiết kế & góp phần xây dựng các bản mẫu thô
  • Viết Game Design Document trong từng giai đoạn sản xuất và bảo trì
  • Thiết kế các hệ thống cốt lõi
  • Cập nhật & tinh chỉnh các tính năng

[Tìm hiểu thêm]. Cách viết Game Designer Document

Trong một đội ngũ sản xuất game, có rất nhiều vị trí, vai trò sẽ được định nghĩa. Trong giai đoạn sản xuất, có ba vị trí quan trọng nhất

  • Game Developer: người lập trình, tối ưu hóa,… . Mang lại khung xương cho game.
  • Game Artist: người thực hiện đồ họa, animation, hiệu ứng,… . Mang lại da thịt, bộ mặt cho game.
  • Game Designer: người thiết kế quy tắc & hệ thống, định hình game,… . Người mang lại linh hồn cho game.

Thế nên, nếu người đạo diễn có vai trò thế nào với một bộ phim, người kiến trúc sư có tầm ảnh hưởng ra sao đối với một công trình. Thì người Game Designer cũng có vai trò quan trọng giống như vậy.

Đương nhiên, bạn cần lưu ý rằng, Game Designer cũng chỉ là một bộ phận chuyên môn trong đội ngũ sản xuất. Làm Game Designer không đồng nghĩa với việc làm Sếp (trừ khi bạn kiêm nhiệm vị trí này). Một Game Designer có trình độ sẽ dung hòa được tiếng nói của mình trong dự án game để hướng mọi người đến cùng một lợi ích chung cho sản phẩm.

Đến lúc này, chắc hẳn rằng các bạn cũng đã phần nào hiểu được: “Game Design là gì?”

4. CÁC VỊ TRÍ TRONG MỘT TEAM GAME DESIGN

Nghề làm Game tại Việt Nam tuy rằng đã đạt được những thành công nhất định trong những năm gần đây. Nhưng nhìn chung, Game Design vẫn còn là một nghề khá mới. Và chắc hẳn rằng, đang có khá ít studio phân hóa các vị trí trong team Game Design thành những vai trò riêng biệt và chuyên nghiệp.

Trong những công ty hàng đầu, việc chuyên môn hóa là vô cùng cần thiết. Vì đặc thù số đầu việc lớn, sản phẩm đòi hỏi chất lượng cao. Kéo theo đó là số lượng nhân sự cũng tăng lên. Thế nên, rất ít khi một người có thể kiêm nhiệm nhiều vai trò như các studio trung bình, nhỏ hay indie.

Về tổng quan, một team Game Design sẽ có các vị trí như sau:

  • Gameplay Designer
  • System Designer
  • Scripting Designer
  • Level Designer
  • UX Designer
  • Operation Designer

Mỗi vị trí sẽ yêu cầu những thế mạnh và kĩ năng chuyên môn riêng biệt. Nhằm mục đích phục vụ cho công việc đặc thù của mình.

GAMEPLAY DESIGNER

Gameplay Designer

Gameplay Designer là vị trí đảm nhận trọng trách thiết kế gameplay. Bạn sẽ cần đưa ra đáp án cho các câu hỏi: “Game đó được chơi như thế nào?”, “Cơ chế điều khiển ra sao?”, “Lối chơi có gì đặc biệt so với các sản phẩm khác?”

Công việc cần làm:

  • Thiết kế Gameplay
  • Thiết kế Game Mechanic
  • Đóng góp xây dựng các Game Element quan trọng

Kỹ năng yêu cầu:

  • Có hiểu biết sâu về các thể loại game.
  • Có khả năng logic tốt.
  • Có cảm quan về game tốt (Game Sense).

Bạn sẽ làm việc rất nhiều với các Game Devs để truyền tải được đúng ý đồ của mình cho sản phẩm.

SYSTEM DESIGNER

System Designer

System Designer đảm nhận vai trò thiết kế các hệ thống quan trọng trong game. Để làm được công việc này, đòi hỏi bạn cần tích lũy khá nhiều kinh nghiệm từ nhiều năm làm việc.

Công việc cần làm:

  • Thiết kế các hệ thống cốt lõi.
  • Thiết kế Coreloop, Gameflow.
  • Định hướng Metagame, Game Economy.

Kỹ năng yêu cầu:

  • Kinh nghiệm thiết kế các hệ thống game tổng quát.
  • Kĩ năng viết kĩ thuật (Technical Writing).
  • Kĩ năng phân tích dữ liệu thị trường.

Tương tự như Gameplay Designer, bạn sẽ làm việc khá nhiều với Game Devs. Thế nhưng, ở vị trí System Designer, bạn sẽ cần làm việc với cả Client Devs và Server Devs (trong trường hợp game của bạn là Game Online).

Thế nên, nếu bạn có hiểu biết và trang bị kiến thức về kĩ thuật tại các mảng này. Đó sẽ là lợi thế rất lớn của bạn trong lúc triển khai công việc.

SCRIPTING DESIGNER

Scriptiong Designer

Trong những đơn vị làm game đòi hỏi cao về tính sáng tạo. Scripting Designer là một vị trí cực kì quan trọng. Bạn sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa Ý tưởng và Khả năng thực thi. Vị trí này yêu cầu người phụ trách cần có cả kĩ năng về Game Design nói chung và cả kĩ năng tương đối về mặt kĩ thuật.

Công việc cần làm:

  • Xây dựng những bản mẫu thô.
  • Thực hiện các demo tính năng.
  • Xây dựng những module phát triển game quan trọng.
  • Góp phần xây dựng những công cụ phục vụ công việc của team Game Design.

Kỹ năng yêu cầu:

  • Hiểu biết các ngôn ngữ kịch bản.
  • Có kinh nghiệm sử dụng các Game Engine phổ biến (Unity, Unreal,…) ở phương diện kĩ thuật.
  • Có khả năng đọc hiểu, truyền đạt và logic tốt.

Scripting Designer là một vị trí đa dụng. Đây là một vai trò rất hấp dẫn đối với các bạn là Game Devs nhưng có mong muốn trở thành Game Designer.

LEVEL DESIGNER

Level Designer

Level Designer là bậc thầy về tâm lý, bố cục và logic. Nếu bạn là người ngoài ngành, vị trí này rất phù hợp với các bạn có chuyên môn về Toán, Tâm lý, Kiến trúc,…

Công việc cần làm:

  • Thiết kế các màn chơi.
  • Kiểm soát trải nghiệm người dùng khi khám phá nội dung game.
  • Nắm bắt điểm rơi tâm lý của người chơi để truyền đạt cho họ những thông điệp bạn mong muốn.

Kỹ năng yêu cầu:

  • Khả năng phân tích tâm lý tốt.
  • Có khả năng phân tích dữ liệu của người dùng.
  • Có khả năng về bố cục và sắp xếp.

Tại vị trí này, Level Designer sẽ làm việc rất nhiều với Game Artist, Animator và thậm chí là Enviroment Modeler (nếu game của bạn là game 3D). Để phối hợp với nhau, các bạn có thể tạo ra được những chất liệu tốt cho công việc Level Design của mình.

UX DESIGNER

UX Designer

UX Designer có lẽ là vị trí có liên quan đến đồ họa nhiều nhất trong các vị trí trong team Game Design. UX Designer trong một team Game Design sẽ phụ trách thiết kế các yếu tố, kịch bản liên quan đến trải nghiệm người dùng. Đó có thể là nghe, nhìn, thao tác, cảm nhận,…

Công việc cần làm:

  • Thiết kế trải nghiệm người dùng.
  • Giao diện, nghe nhìn, Game Feeling,…

Kỹ năng cần có:

  • Có hiểu biết và kiến thức về các lĩnh vực tạo được ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng trong game.
  • Suy luận logic, tính cẩn thận và tỉ mỉ.
  • Khả năng viết sáng tạo (Creative Writing).

UX Designer sẽ làm việc khá nhiều với Game Artist, Animator, VFX Artist và thậm chí là Composer, Sound Design. Với mục đích kết hợp các yếu tố trong game và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người chơi.

OPERATION DESIGNER

Operation Designer

Operation Designer là vị trí khá phổ biển tại Việt Nam trong những năm đầu của ngành Game. Operation Designer được gọi với nhiều cái tên khác như Vận hành game, Game Planner, Live-Ops… . Operation Designer sẽ đảm nhận công việc cập nhật và bảo trì cho một sản phẩm đã hoàn thiện và chính thức ra mắt.

Công việc cần làm:

  • Thiết kế các tính năng phục vụ công việc vận hành.
  • Khai thác game một cách hợp lý để duy trì lượng người chơi và doanh thu.
  • Xây dựng và dẫn dắt cộng đồng người chơi.

Kỹ năng yêu cầu:

  • Đòi hỏi kỹ năng phân tích dữ liệu rất tốt.
  • Kỹ năng về toán, thống kê, xác suất,…
  • Kỹ năng cân bằng game. Tập trung cải thiện các chỉ số vận hành.

Operation Designer sẽ làm việc nhiều với System Designer và Marketer để phục vụ nhu cầu ra mắt các tính năng, sự kiện để khai thác và vận hành sản phẩm. Mục đích chính hướng đến việc tối ưu hóa doanh thu và duy trì sức khỏe cũng như dòng đời của game.

LỜI KẾT

Chắc hẳn, đến đây các bạn đã có được một đáp án chính xác hơn cho câu hỏi: “Game Design là gì?”

Game Design vẫn là một lĩnh vực rộng và rất tiềm năng tại Việt Nam cho những ai có đủ đam mê và tài năng. Với những hiểu biết nền tảng ban đầu chính xác. Mình tin tưởng rằng, các bạn sẽ có thể chọn cho mình con đường phù hợp để bước đầu bước chân vào ngành Game đầy khó khăn nhưng cũng rất thú vị này.

Hãy chia sẻ với mình suy nghĩ của các bạn cũng như cho mình biết thêm về các chủ đề các bạn đang mong muốn được tìm hiểu thêm nhé!